Ý nghĩa mới của BỔN PHẬN – Chia sẻ từ Tony Chen

“Loại bỏ các tác động bên ngoài gây dao động” thôi chưa đủ, chúng ta còn phải cần thêm tư duy phản biện, không ngừng tìm ra bản chất của sự việc.

“Bổn phận” là giá trị quan cốt lõi của chúng ta, và trong đó điều quan trọng nhất chính là “loại bỏ các tác động bên ngoài gây dao động, tìm về căn nguyên của sự vật, nắm vững phương hướng hợp lý của việc chúng ta nên làm”, vì nó có tính quan trọng không thể thay thế, cho nên được đặt lên hàng đầu. Thậm chí chúng ta còn nhận định rằng “nắm vững phương hướng hợp lý, làm việc mà chúng ta thấy nên làm” có thể sánh ngang với “bổn phận”. Nhưng lâu dần, lý giải của mọi người về bổn phận phần lớn đã bị lệch sang: biết xem lại trách nhiệm của bản thân, không lợi dụng người khác, thành thật giữ chữ tín. Thật ra, những điều này chỉ được xem là lớp vỏ ngoài, là yêu cầu căn bản nhất của “bổn phận”, tuy những điều này cũng quan trọng, nhưng điều quan trọng nhất, hàm nghĩa cốt lõi nhất của “bổn phận” vẫn là nắm bắt phương hướng hợp lý, làm việc mà chúng ta thấy đúng.

Thế thì, doanh nghiệp kinh doanh như thế nào mới có thể nắm vững phương hướng hợp lý, làm việc mà chúng ta thấy nên làm? Nguyên tắc mà chúng ta nên kiên trì là gì? Hàm nghĩa đầu tiên của “bổn phận” đã chỉ rõ điểm cốt lõi, đã trình bày mặt phải của vấn đề vô cùng rõ ràng, đó là phải “loại bỏ các tác động bên ngoài gây dao động, tìm về căn nguyên của sự vật”. Nhưng chỉ dựa vào điều này thì sẽ không bao giờ đủ. Tiếp đến, còn phải thông qua việc đặt câu hỏi và thách thức, có tư duy phản biện, kiểm chứng mặt trái của vấn đề. Dựa vào tư duy phản biện “hai mặt trái phải”, chúng ta có những góc nhìn khác nhau, tìm hiểu bản chất của sự vật, nắm vững phương hướng hợp lý. Có thể nói, nếu nắm vững phương pháp này thì “đột phá” và “sáng tạo” sẽ không còn là vấn đề nữa, và chúng ta cũng sẽ nắm bắt được nhu cầu thực sự của khách hàng.

Tư duy phản biện là con đường tất yếu để có được nhận thức đúng đắn, vậy nếu thiếu tư duy phản biện, sẽ dẫn đến hậu quả kinh doanh như thế nào?

Xin chia sẻ với mọi người một ví dụ điển hình, vào thập niên bảy mươi tám mươi của thế kỷ trước, khi ấy đầu máy Video gia đình Betamax được công ty Sony cho ra mắt sớm nhất, do chất lượng hình ảnh khá rõ nét, nên rất được ưa chuộng ở thị trường Hoa Kỳ. Nhưng băng video chuyên dùng cho Betamax lại có thời gian lưu trữ dữ liệu chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ. Mà máy chiếu phim VHS do công ty JVC nghiên cứu ra sau đó, có thời gian phát hình lên đến 4 giờ đồng hồ, tuy chất lượng hình ảnh thì không sánh bằng. Kĩ sư của Sony từng dè bĩu xem thường công nghệ của VHS, họ cho rằng hạ thấp tốc độ băng video và làm hẹp luồng hình ảnh, để kéo dài thời gian lưu trữ dữ liệu, sẽ khiến chất lượng hình ảnh giảm xuống trầm trọng, khách hàng bị thiệt nhiều hơn lợi. Nhưng kết quả là VHS được tung ra chẳng bao lâu, đã chiếm lĩnh thị trường đầu máy video gia đình, hạ bệ Betamax trên bảng xếp hạng bán chạy.

Nếu chỉ nhìn từ góc độ công nghệ, chất lượng hình ảnh rõ nét hình như sẽ khiến người tiêu dùng thích hơn chứ, tại sao người tiêu dùng lại không chọn? Sau đó lúc đi thăm dò thị trường mới biết: Khi ấy môn bóng bầu dục được người dân Mỹ rất ưa thích, cả một trận đấu dài vừa đúng bốn giờ, mà giờ phát trực tiếp lại xếp đúng vào ngày làm việc, thời gian phát sóng lại cố định, nên họ rất cần băng video có thời gian trình chiếu dài hơn, để khỏi bỏ lỡ những trận bóng hấp dẫn. Vì vậy sự ra đời của VHS là rất đúng lúc, nó được bán chạy là chuyện không khó hiểu.

Qua chuyện này ta có thể thấy, nhu cầu thực sự của khách hàng là gì? So với chất lượng hình ảnh khá rõ nét, thì khách hàng cần băng video có thể thu trọn vẹn một trận đấu hơn. Ví dụ này tuy có niên đại khá xưa, mọi người không hẳn đều biết đến, nhưng vết xe đổ ngày xưa, thường có ý nghĩa chỉ dẫn rất mạnh cho ngày nay.

Suy nghĩ đối lập mang đến quan điểm mới, cách làm mới

Ý nghĩa mới này của giá trị “Bổn phận” liên quan đến ba từ khóa, dám đặt câu hỏi, dám thách thức và tư duy phản biện. Hai khái niệm đầu thì khá dễ hiểu, chúng ta chủ yếu chú trọng vào “tư duy phản biện”

Tư duy phản biện là quá trình suy xét lạiđặt câu hỏi về quan điểm của cá nhân và quan điểm của người khác, trong đó cốt lõi là suy xét lại. Vì vậy, thực chất tư duy phản biện chính là kiểu tư duy phân tích, tư duy đổi mới để tạo ta “quan điểm mới” và “cách làm mới”. Nói một cách thông thường, thì tư duy phản biện chính là khi chúng ta trình bày quan điểm hoặc đưa ra quyết định, có người đưa ra quan điểm đối lập, đưa ra những ý kiến và đề nghị khác nhau, chỉ ra những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn; hoặc khi chúng ta ngủ quên trong niềm vui “thành công” ở quá khứ, có người dũng cảm đứng ra, đưa ra những câu hỏi và thách thức, chứ không 1 tập thể  bảo sao nghe vậy hoặc không có ý kiến riêng.

Rào cản của chúng ta hiện nay chính là thiếu tư duy độc lập khi đứng trước tư duy lối mòn hoặc quyền lực, thiếu can đảm để đối thoại bình đẳng với họ, không dám đặt câu hỏi và thách thức, phần lớn người ta sẽ chọn im lặng hoặc đi theo số đông. Mọi sự vật cũng sẽ thay đổi theo thời gian, chúng ta cứ cắm cúi đi nhầm hướng mà chẳng nhận ra, cứ như thế thì sẽ mang lại tổn thất cực lớn, thậm chí thất bại cả sự nghiệp.

Ở Nga từng xảy ra một chuyện như vầy. Lần nọ, Sa Hoàng Alexander đang đi dạo trong công viên mùa hè Sankt-Peterburg, nhìn thấy một anh lính đang đứng làm nhiệm vụ ở giữa bãi cỏ, Sa Hoàng tò mò hỏi, “Tại sao cậu đứng ở đây, hơn nữa còn đưa mông về phía tôi?” Anh lính cung kính đáp: “Đây là mệnh lệnh!” Sa Hoàng mãi vẫn không hiểu, anh lính này cớ sao cứ khăng khăng đứng trơ ra ở trung tâm bãi cỏ, một nơi chẳng hợp lẽ thường? Hơn nữa thế đứng lại kì khôi như thế?

Thế là Sa Hoàng bèn sai người hầu đến phòng cảnh vệ công viên hỏi thăm. Người hầu đã đi nhưng chẳng nhận được câu trả lời thỏa đáng, vì tất cả mọi người thuộc phòng cảnh vệ chỉ biết đó là mệnh lệnh, còn rốt cuộc ai đã hạ lệnh, và tại sao lại hạ lệnh như thế, thì họ hoàn toàn không biết.

Sau đó, một người hầu già từng trải tình cờ nhắc đến chuyện này, mọi người mới vỡ lẽ. Thì ra vào một năm nọ, nữ Sa Hoàng Ekaterina đã vô tình phát hiện một đóa sen tuyết nở tròn trong công viên Sankt-Peterburg. Nữ hoàng vô cùng thích, bèn ra lệnh không cho bất kì ai lại gần. Vì chấp hành lệnh của nữ hoàng, thế là các đại thần đã cho lính canh giữ ngày đêm ở trung tâm bãi cỏ trong công viên, xuân qua đông tới, ngày nào cũng vậy. Tuy đóa sen tuyết ấy đã tàn từ lâu, nhưng mệnh lệnh đứng gác ở trung tâm bãi cỏ thì vẫn luôn duy trì.

Đây là một câu chuyện khiến người nghe dở khóc dở cười. Trong thể chế cứng nhắc, tinh thần nghi ngờ và phản biện đã biến mất từ lâu. Có lẽ bản thân các anh lính làm nhiệm vụ cũng thấy chán ngắt, mắc gì cứ đứng canh một bãi cỏ trọc lốc hết năm này qua tháng nọ? Có lẽ họ đã tin tưởng mù quáng vào người nắm uy quyền, không dám chống lệnh cấp trên; có lẽ họ cho rằng sắp xếp của cấp trên sẽ luôn hợp lý hơn, để rồi các anh lính chẳng biết đã phí hoài bao nhiêu tuổi xuân, làm biết bao nhiêu chuyện vô bổ ở cái bãi cỏ trống rỗng ấy.

Hy vọng mọi người có thể nhận thức thật trọn vẹn rằng, thiếu tinh thần phản biện thường sẽ chẳng nắm bắt được bản chất của sự vật, sẽ làm tư duy cứng nhắc, sẽ giẫm chân tại chỗ, sẽ đi vào con đường sai lầm mà chẳng hay biết.

Phản biện không phải chỉ trích, mà là chú trọng bản chất vấn đề, suy xét lý trí để phản biện bản thân và người khác

Phần lớn người ta đã hiểu một cách lệch lạc về phản biện, chỉ cần nhắc đến phản biện là sẽ lập tức liên tưởng đến “chỉ trích nặng nề”, cho rằng phản biện là tranh luận vô lý, soi mói, thậm chí là công kích cá nhân. Trên thực tế, phản biện và chỉ trích là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn. Phản biện mang ý nghĩa tích cực, đối tượng phản biện nhắm đến là sự việc chứ không phải con người, không có vào những ác ý mang tính chủ quan, cũng không phải phủ định vô căn cứ, càng không phải chỉ trích hay nhắm vào bạn; xuất phát điểm của phản biện là dẫn dắt đối phương suy xét sâu sắc hơn, từ đó chọn được giải pháp chính xác.

Cảm xúc hóa vấn đề, cũng là sai lầm chúng ta thường mắc phải trong quá trình “phản biện”. Cảm xúc chính là rào cản lớn nhất của chúng ta khi tìm kiếm sự thật. Tư duy phản biện phải được xây dựng trên nền tảng suy xét có lý trí, nếu phản biện không chú trọng sự thật, không theo lý trí, chỉ nói ào ào, nói cho thỏa mãn cảm xúc, hoặc lý luận suông, nói vô căn cứ, phản biện chỉ là để phản biện, thì nó sẽ mất đi ý nghĩa ban đầu, cũng chẳng giúp gì cho việc phát hiện và giải quyết vấn đề.

Phản biện không chỉ là phản biện người khác, mà còn bao gồm cả phản biện cả bản thân. Mọi người đều có điểm mù trong hiểu biết và góc chết trong tư duy, độ sâu và độ rộng trong hiểu biết về sự vật cũng mỗi người mỗi khác, ngoài đặt câu hỏi với bên ngoài, chúng ta còn đặt câu hỏi với bản thân. Nếu chỉ nhắm vào phê phán người khác, mà xem nhẹ việc xem xét lại bản thân mình, sẽ dễ sa vào lối mòn – xem mình là trung tâm, đột phá và đổi mới sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Trước khi phản biện người khác, đầu tiên phải có ý thức và khả năng phản biện chính mình đã, nhìn thẳng vào yếu kém của mình, chấp nhận điểm chưa hoàn thiện của mình, mới có thể không ngừng tiến bộ và trưởng thành.

Cần có thái độ bao dung rộng mở, để cư xử bình đẳng với những phát biểu đối lập

“Học hỏi” bằng tinh thần phản biện, luôn giữ vững tinh thần phản biện. Văn hóa Trung Hoa ngay từ xa xưa đã có nền tảng của phản biện rồi, đặc biệt văn hóa Lão gia và văn hóa Thiền tông là điển hình nhất. Người xưa khai ngộ trong Thiền tông, chú trọng nghiền ngẫm ba tầng cảnh giới khi tham thiền: Một, thấy núi là núi, thấy sông là sông; Hai, thấy núi chẳng phải núi, thấy sông chẳng phải sông; Ba, thấy núi vẫn là núi, thấy sông vẫn là sông. Thông qua xây dựng, mỗ xẻ và tái thiết lập khái niệm về núi và sông, từ đó đạt đến sự thăng hoa trong nhận biết, giống y hệt quy luật triết học “Khẳng định, phủ định, phủ định của phủ định” của Hegel. “Thiền tông theo đuổi đốn ngộ”, thực chất chính là thông qua hình thức phản biển để tìm kiếm sự đúng đắn, để tìm ra chân lý.

Quay trở lại, trong kinh doanh và quản lý doanh nghiệp, vực dậy “tư duy phản biện” đã trở thành nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Chúng ta cần có thái độ bao dung rộng mở, để cư xử bình đẳng với những phát biểu đối lập với mình, để quan điểm cọ sát với quan điểm, ý kiến va chạm với ý kiến. Vì vậy chúng ta cần gấp rút xây dựng bầu không khí cởi mở, tự do trong công ty, khuyến khích cho mọi người dám đưa ra ý kiến, dám nói sự thật, dám chia sẻ thật lòng. Công ty tuyệt đối không chấp nhận tồn tại “độc tài”, nhất định cần phải có đối lập, có những tiếng nói khác nhau, có tranh luận lẫn nhau. Tuy phản biện đôi lúc sẽ có gay gắt, nhưng chỉ cần xuất phát từ lợi ích chung chứ không vì tư lợi, chân thành thẳng thắn trao đổi ý kiến, thì nghi ngờ và thách thức dưới bất kỳ hình thức nào, phản biện và phản bác dưới bất kỳ hình thức nào, đều đáng được khích lệ và khen thưởng. Vì chúng ta hiểu rằng, ý kiến phản biện thường có giá trị gợi mở nhiều hơn, có tác động lớn hơn đến quyết định, và cũng có ích hơn cho tương lai công ty.

Cuối cùng, hy vọng các đồng nghiệp OPPO dựa vào yêu cầu về “bổn phận” với hàm nghĩa cao hơn, mà luôn giữ vững tinh thần phản biện, dám đặt  câu hỏi và thách thức. Kể từ giây phút này, hãy thi đua làm người thực hành văn hóa, chứ không phải là người đứng ngoài cuộc. Chúng ta sẽ cùng nhau cố gắng.

– Tony Chen –

– Founder & CEO OPPO Global –

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *